Trường đại học Công Đoàn bắt đầu thành lập khoa kế toán từ ngày 15/03/2006. Trải qua gần 20 năm hình thành và phát triển cho đến nay, khoa Kế toán đã trở thành một trong những khoa chủ lực của trường Đại học Công đoàn. Năm 2015, sau khi đảm bảo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo về đào tạo trình độ thạc sỹ chuyên ngành kế toán, trường Đại học Công đoàn bắt đầu đào tạo thạc sỹ kế toán.
Được thành lập với mục tiêu chính là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Kế toán ở các trình độ đại học và sau đại học. Hàng năm, số lượng tuyển sinh của khoa khoảng 40 học viên cao học, 300 sinh viên đại học.
Ngoài ra, khoa Kế toán đã đào tạo các chương trình đào tạo ngắn hạn như Kế toán Công đoàn, Kế toán viên. Đến nay, đã có 17 khóa Kế toán Công đoàn tốt nghiệp, cung cấp số lượng không nhỏ cán bộ kế toán tài chính cho hệ thống công đoàn các cấp.
Đặc biệt, với mục tiêu đào tạo lý thuyết gắn với thực hành, năm 2017, khoa Kế toán được nhà trường trang bị phòng thực hành kế toán với tổng số 35 đầu máy tính. Phòng thực hành kế toán đã đi vào hoạt động từ tháng 6 năm 2017 và đã tạo cơ hội cho sinh viên khoa Kế toán được thực hành nghề nghiệp, trang bị thêm kiến thức cho sinh viên, đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. Khoa Kế toán luôn tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn và kĩ năng cần thiết cho sinh viên để đáp ứng với nhu cầu của xã hội.
Về thành tích đào tạo: sau 16 năm đào tạo đại học, cao đẳng, 7 năm đào tạo cao học, khoa Kế toán đã cung cấp cho xã hội hơn 5.000 cử nhân kế toán và hơn 200 thạc sỹ kế toán. Các cử nhân và thạc sỹ kế toán ra trường, đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Những cử nhân kế toán vừa vững chuyên môn, nghiệp vụ, vừa hoàn thiện về kỹ năng đã được xã hội nhiệt tình đón nhận. Theo kết quả điều tra gần đây nhất, hơn 90% sinh viên ra trường đã có việc làm đúng chuyên môn trong các doanh nghiệp, các tổ chức, các đơn vị hành chính sự nghiệp …, có nhiều bạn hiện nay đang đảm nhiệm những vị trí khá quan trọng trong các đơn vị tại nơi mình công tác. Hiện nay, số lượng sinh viên chính quy khoa quản lý và đào tạo đại học bình quân ở mức 1.300 sinh viên/ năm. Con số này không nhỏ so với quy mô đào tạo chung của toàn trường.
Đội ngũ cán bộ, giảng viên
Với sự nỗ lực phát triển không ngừng của đội ngũ giảng viên cả về chất lượng và số lượng đã đem lại những thành tích lớn cho khoa. Hiện nay, đội ngũ cán bộ, giảng viên trong khoa có 19 giảng viên, bao gồm: 02 PGS, 04 TS, 02 NCS và 11 thạc sỹ; 01 GV cao cấp; 05 GV chính đã nâng cao vị trí, uy tín.
Chuẩn đầu ra của sinh viên khoa kế toán
Chuẩn đầu ra là một phần quan trọng để có thể đáp ứng được yêu cầu nhân sự của các công ty sau khi tốt nghiệp đi xin việc làm
Về kiến thức nghiệp vụ
Sinh viên tốt nghiệp ngành kế toán, Trường Đại học Công đoàn cần đạt chuẩn về kiến thức như sau:
- Hiểu các kiến thức cơ bản về lý luận chính trị, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, pháp luật, Công đoàn Việt Nam để đáp ứng yêu cầu chuyên môn của ngành kế toán;
- Vận dụng những kiến thức cơ bản về khoa học kinh tế tổng quát trong phân tích và giải thích các vấn đề của chuyên môn ngành kế toán;
- Vận dụng các kiến thức chuyên môn sâu về kế toán để xây dựng bộ máy kế toán; xử lý các nghiệp vụ kinh tế phát sinh nhằm tổ chức hệ thống thông tin kế toán trong đơn vị;
- Vận dụng được các kiến thức chuyên sâu về kế toán, kiểm toán, phân tích kinh tế để cung cấp thông tin cho các nhà quản trị trong việc hoạch định chính sách tài chính ;
Về kỹ năng
- Vận dụng thành thạo kỹ năng xử lý hệ thống chứng từ, ghi sổ kế toán và lập báo cáo kế toán và phân tích kinh tế nhằm cung cấp thông tin hữu ích cho các đối tượng có lợi ích liên quan đến đơn vị kế toán;
- Vận dụng thành thạo kỹ năng thu thập bằng chứng và thực hiện các thủ tục kiểm toán trong hoạt động kiểm toán;
- Kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng làm việc nhóm năng động và đa dạng; có khả năng thích nghi cao trong điều kiện môi trường làm việc không xác định cụ thể hoặc thay đổi;
- Kỹ năng giao tiếp tốt; kỹ năng viết và thuyết trình mạch lạc, thể hiện rõ ý tưởng vấn đề cần giải quyết; kỹ năng đàm phán và thương lượng thuyết phục; kỹ năng tư duy logic, phân tích, hoạch định, tổ chức, giám sát và đánh giá về kế toán, kiểm toán, tài chính
- Có kỹ năng sử dụng ngoại ngữ trong công việc đạt năng lực ngoại ngữ bậc 3/6 của khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam hoặc TOEIC 500 hoặc tương đương;
- Đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản: Sử dụng máy tính, xử lý văn bản, sử dụng bảng tính, sử dụng trình chiếu và sử dụng internet cơ bản (theo Thông tư 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông về Quy định chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin); có khả năng sử dụng được các phần mềm thông dụng và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực kế toán phục vụ cho nghề nghiệp.
Về năng lực tự chủ và trách nhiệm nghề nghiệp
- Tuân thủ pháp luật và chế độ kế toán của Nhà nước; tuân thủ quy định chung của tổ chức cũng như thực hiện đúng những cam kết; trung thực và khách quan trong nghề nghiệp; tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp; có năng lực dẫn dắt chuyên môn kế toán đã đào tạo, có sáng kiến trong quá trình thực hiện công việc được giao; có ý thức tự học để tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn thông qua bậc học cao hơn hay các khóa học lấy chứng chỉ nghề nghiệp của Việt Nam và quốc tế.
- Luôn có tinh thần trách nhiệm, hợp tác và chia sẻ với các đồng nghiệp trong công việc; có khả năng tự định hướng và luôn sẵn sàng làm việc trong điều kiện môi trường công việc với áp lực cao; có trách nhiệm của công dân, trách nhiệm xã hội và trách nhiệm với tổ chức;
Chẳng ra gì đâu, em gái mình tốt nghiệp ra trường mãi chưa xin được việc. Nên học bên kinh tế quốc dân ấy